Lão thị là một tật khúc xạ mà khó ai tránh được khi có tuổi. Hầu như, mọi người sẽ bắt đầu nhận thấy sự ảnh hưởng của lão thị rõ rệt vào khoảng sau 40 tuổi trở đi, nó gây ra rất nhiều phiền toái trong sinh hoạt và cuộc sống thường ngày. Vậy lão thị là gì? Biện pháp khắc phục ra sao? Cùng AT tìm hiểu nhé !
1. Lão thị là gì?
Lão thị là tật khúc xạ ở mắt gây ra tình trạng suy giảm thị lực, biểu hiện của bệnh chính là việc khó khăn khi nhìn gần với khoảng cách 30 – 35cm. Lão thị thường xảy ra với tất cả mọi người sớm hoặc muộn, nhưng người bệnh thường sẽ cảm nhận khá rõ nét vào khoảng sau 40 tuổi (mang tính chất sinh lý do tuổi già).
2. Nguyên nhân
Lão thị là quá trình tất yếu của con người và liên quan đến tuổi tác. Chức năng điều tiết của mắt có được là nhờ khả năng đàn hồi của thủy tinh thể giúp hội tụ hình ảnh của vật thể ở gần lên trên võng mạc. Theo thời gian, đi cùng với lão hóa tự nhiên của cơ thể, thể thủy tinh bên trong mắt dần xơ cứng, khả năng đàn hồi kém hơn và dần mất đi tính linh hoạt vốn có dẫn tới khả năng điều tiết của mắt giảm, gây nên tình trạng gặp khó khăn khi nhìn gần.
3. Đối tượng và triệu chứng
3.1. Đối tượng
– Lão thị xảy ra với tất cả mọi người sớm hoặc muộn, nhưng thường sẽ cảm nhận khá rõ nét vào khoảng sau 40 tuổi
– Lão thị không phân biệt giới tính. Không giống như các tật khúc xạ ở mắt khác (cận thị, loạn thị, viễn thị). Nó tình trạng mà người bệnh không thể tránh khỏi do sự lão hóa và tuổi gây ra.
3.2. Triệu chứng
– Triệu chứng của lão thị thường biểu hiện khá rõ ràng, bạn có thể nhận biết được dễ dàng:
+) Gặp khó khăn khi đọc chữ viết hoặc chữ in quá nhỏ
+) Không thể nhìn rõ được các chữ, các vật ở trong cự ly gần
+) Thường xuyên phải nheo mắt để nhìn được
+) Có tình trạng mỏi mắt, nhức đầu sau khi đọc sách báo
+) Mỏi mắt khi tập trung cao độ vào chữ hoặc vật
4. Các cách điều trị lão thị
4.1. Sử dụng kính lão thị
– Kính gọng là biện pháp đơn giản, ít tốn kém nhất để khắc phục tật lão thị. Nếu có thị lực tốt trước khi bị lão thị, bạn chỉ cần đeo kính để cải thiện triệu chứng nhìn mờ.
– Các loại kính lão thị phổ biến hiện nay:
+) Kính hai tròng: có 2 loại tròng kính, loại có đường kẻ ngang nhìn thấy và loại không có đường kẻ (loại kính 2 tròng cải tiến). Kính hai tròng cải tiến thay đổi dần từ mức nhìn xa ở ngang tầm mắt tới mức nhìn gần dùng để đọc nằm ở đáy kính. (Kính hai tròng cho tầm nhìn tốt ở cự ly gần và cự ly xa).
*Nhược điểm: mắt có thể gặp khó khăn ở khoảng nhìn trung gian (giữa nhìn xa và nhìn gần)
+) Kính ba tròng: cho tầm nhìn tốt ở cả ba khoảng nhìn là nhìn gần, nhìn trung gian và nhìn xa. Loại kính này sẽ có ích khi bạn mất hầu hết khả năng hội tụ. Bạn sẽ có sự điều chỉnh để nhìn gần, nhìn xa trung bình và nhìn xa ngay trong một thấu kính
+) Kính đa tròng: có cơ chế tương tự như kính hai tròng hoặc kính ba tròng. Nhưng thay vì có các đường ranh giới rõ ràng giữa các vùng nhìn, ở kính mắt đa tròng độ khúc xạ thay đổi dần dần từ trên xuống dưới tạo nên các dải thị lực liên tục, rõ nét ở các cự ly khác nhau.
4.2. Kính áp tròng
+) Kính áp tròng đơn tròng “monovision”: sử dụng kính áp tròng để điều chỉnh cho một mắt nhìn gần tốt và một mắt nhìn xa tốt. Bệnh nhân sẽ cần thời gian để não bộ làm quen với ưu thế của từng mắt ở các khoảng thị giác khác nhau. Với phương pháp này, một số bệnh nhân do khả năng thích nghi thần kinh kém sẽ thấy sự thiếu sắc nét của hình ảnh, một số khác bị giảm khả năng nhận biết chiều sâu trong không gian.
+) Kính áp tròng đa tròng: Kính áp tròng đa tròng có thiết kế phân chia các vùng nhìn với độ khúc xạ khác nhau trên một mắt kính giúp bệnh nhân có thể đồng thời nhìn tốt ở cả cự ly gần và xa. Tuy nhiên, não bộ cũng cần phải học cách tự động lựa chọn tiêu điểm phù hợp với cự ly của vật thể cần nhìn. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể cảm thấy khi sử dụng kính áp tròng đa tiêu cự kém sắc nét hơn so với kính áp tròng đơn tiêu cự.
4.3. Phẫu thuật
Phẫu thuật đặt kính nội nhãn IPCL Presbyond:
Phẫu thuật Phaco lấy thủy tinh thể, đặt kính nội nhãn đa tiêu giúp bệnh nhân có thể đạt thị lực tốt ở mọi cự ly. Phẫu thuật này sử dụng thấu kính nội nhãn 3 tiêu cự (dành cho tầm nhìn gần, trung gian và xa) có độ an toàn cao đặt trực tiếp vào bên trong mắt, ở vị trí sau mống mắt và trước thủy tinh thể để điều chỉnh đồng thời cận thị hoặc viễn thị, lão thị, kết hợp loạn thị
Phẫu thuật Near Vision CK: Bằng cách tạo hình giác mạc, chỉ thực hiện trên một mắt bệnh nhân nhằm điều chỉnh thành tình trạng đơn thị (1 mắt nhìn xa, 1 mắt nhìn gần). Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng NearVisionCK sẽ điều trị hiệu quả nhưng chỉ tạm thời và hiệu quả giảm đi theo thời gian
Phẫu thuật PresbyLASIK: Là phương pháp mới điều chỉnh lão thị đã được thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ. Phương pháp này dùng Laser Excimer tạo các vòng đa tiêu trực tiếp trên bề mặt giác mạc cho phép mắt có thể nhìn rõ ở mọi cự ly.